Trong số các vùng sinh thái nông nghiệp ở Tây Nguyên, Gia Lai được xem là vùng thủ phủ của cây cà phê vối,... diện tích tập trung ở vùng này và có mức độ thâm canh cao. Riêng đối với cây cà phê vối, diện tích được trồng ở Gia Lai hiện có trên 97.000 ha cà phê, trong đó, diện tích trong giai đoạn kinh doanh khoảng 93 nghìn ha, còn lại đang kiến thiết cơ bản và tái. Như vậy, Gia Lai là tỉnh có diện tích cà phê vối đứng thứ 3 Tây nguyên và thứ 4 cả nước.
Đối với người dân Gia Lai, cà phê không đơn thuần là thức uống, mà đã trở thành một nét văn hóa cộng đồng đặc trưng, một phần không thể tách rời với mỗi con người Gia Lai. Hương vị cà phê ngọt đắng đậm đà đã trở nên quá quen thuộc trong nhịp sống thường ngày của mỗi người dân Gia Lai từ xưa đến nay với phong cách thưởng thức cà phê rất riêng. Dù theo phong cách truyền thống hay hiện đại thì khẩu vị cà phê của người dân Phố núi Gia Lai vẫn luôn theo chuẩn đắng đậm đà. Ly cà phê mang đến những tinh hoa của cà phê Gia Lai với hương vị đặc trưng và danh tiếng riêng trên thị trường trong và ngoài nước. Cũng nhờ cây cà phê mà kinh tế của người dân Gia Lai phát triển nhanh chóng, hàng ngàn hộ nông dân trồng cây cà phê không chỉ thoát nghèo mà còn có cuộc sống khá giả, đầy đủ.
Chất lượng hạt cà phê Gia Lai được tạo nên nhờ điều kiện tự nhiên “thiên thời địa lợi”, nhưng để tạo nên danh tiếng bền vững cho cà phê Gia Lai phải có yếu tố “nhân hòa”. Nhận thức được tiềm năng và danh tiếng cà phê Gia Lai, các doanh nghiệp cà phê trên địa bàn đang hướng đến việc tiêu chuẩn hóa cà phê Gia Lai - đầu tư phát triển cà phê chất lượng cao, xây dựng thương hiệu cà phê sạch - đây cũng là bước đi chiến lược và hiệu quả cao. Có thể kể đến các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần cà phê Gia Lai với thương hiệu Giacomex, công ty cà phê hữu cơ duy nhất tại Việt Nam là Công ty TNHH Cà phê Vĩnh Hiệp với thương hiệu L'amant. Hiện tại, thị trường trong và ngoài nước đã có những thương hiệu hàng hóa danh tiếng về cà phê của tỉnh Gia Lai như: Giacomex, Classic, Thanh Thuỷ, Thu Hà, Thuỳ Dung, Mưa 3S, Baka, Dalasa, HD, Hồng Danh, Thuận Việt… trong đó nhiều nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đây là những lợi thế để phát triển quảng bá danh tiếng cho sản phẩm cà phê Gia Lai trên thị trường. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp có hướng tiếp cận và giới thiệu sản phẩm cà phê Gia Lai ra thị trường với các tiêu chí và thông tin khác nhau đã và đang dẫn đến việc cung cấp thông tin không đồng nhất về uy tín và chất lượng của cà phê Gia Lai, ảnh hưởng danh tiếng của sản phẩm, cần được tổ chức thống nhất.
Để nâng cao danh tiếng trên thị trường trong nước cũng như quốc tế của loại cây cho thức uống đặc biệt này, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý “Gia Lai” cho sản phẩm cà phê của tỉnh Gia Lai có ý nghĩa thiết thực, nhằm khẳng định danh tiếng của sản phẩm cà phê Gia Lai, bảo hộ quyền lợi của người sản xuất, người tiêu dùng, đồng thời làm tăng giá trị kinh tế của sản phẩm, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, giảm thiểu tình trạng phá rừng làm nương rẫy, mở ra triển vọng phát triển ngành chế biến cà phê trên địa bàn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngày 18/11/2022, UBND tỉnh Gia Lai đã vinh dự được Bộ Khoa học và Công nghệ trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Gia Lai” cho sản phẩm cà phê của tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 5372/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. Đây là một trong những điều kiện hết sức quan trọng sẽ nâng cao uy tín của sản phẩm cà phê Gia Lai trên thị trường trong và ngoài nước đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của tỉnh.